Hướng dẫn một số quy định về thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử
Những năm gần đây, với sự phát triển của công nghệ thông tin, hoạt động kinh doanh, mua bán trực tuyến ngày càng phổ biến thông qua hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), đã đem lại những giá trị, lợi ích to lớn cho người dân, doanh nghiệp (DN), góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Nhằm để khai thác hiệu quả lợi ích mà TMĐT đem lại, cũng như hạn chế những rủi ro, nguy cơ tiềm ẩn, đặc biệt là ngăn chặn các hành vi gian lận, trốn thuế; Cục Thuế hướng dẫn các DN, tổ chức, cá nhân kinh doanh một số quy định về thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT như sau:
1. Văn bản pháp luật về thuế liên quan hoạt động TMĐT
- Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14; Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế; Thông tư số 105/2020/TT-BTC ngày 03/12/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn về đăng ký thuế.
- Luật Thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12; được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 31/2013/QH13, Luật số 71/2014/QH13, Luật số 106/2016/QH13; và các văn bản hướng dẫn thi hành (Nghị định số 209/2013/NĐ-CP; Thông tư số 219/2013/TT-BTC; …).
- Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12; được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 32/2013/QH13, Luật số 71/2014/QH13; và các văn bản hướng dẫn thi hành (Nghị định số 218/2013/NĐ-CP, Thông tư số 78/2014/TT-BTC, …).
- Luật Thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12; được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 26/2012/QH13, Luật số 71/2014/QH13; và các văn bản hướng dẫn thi hành (Nghị định số 65/2013/NĐ-CP, Thông tư số 111/2013/TT-BTC, …).
- Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh.
- Thông tư số 218/2015/TT-BTC ngày 31/12/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn chính sách và quản lý thuế đối với thương nhân thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hoá tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong Khu kinh tế cửa khẩu theo Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg ngày 20/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
- Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 06/8/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam.
2. Hoạt động kinh doanh TMĐT
Tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Bộ Tài chính về TMĐT quy định:
“Hoạt động thương mại điện tử là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác.”
3. Đối với cá nhân cư trú tại Việt Nam hoạt động kinh doanh TMĐT: có tổng doanh thu từ tất cả các loại hình kinh doanh trong năm (kể cả các loại hình kinh doanh khác ngoài kinh doanh TMĐT) trên 100 triệu đồng/năm phải kê khai nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) theo hướng dẫn tại Điều 2, 3, 6 và 7 Thông tư số 92/2015/TT-BTC như sau:
3.1. Cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT (như bán hàng qua mạng, Facebook, Zalo, Youtube, …) tại Việt Nam nhưng chưa thực hiện đăng ký thuế với cơ quan thuế
Cá nhân liên hệ Chi cục Thuế nơi đặt địa điểm kinh doanh, để nộp hồ sơ đăng ký thuế đối với cá nhân kinh doanh theo hướng dẫn tại khoản 8 Điều 7 Thông tư số 105/2020/TT-BTC.
- Hồ sơ đăng ký thuế đối với cá nhân kinh doanh gồm:
+ Tờ khai đăng ký thuế mẫu số 03-ĐK-TCT hoặc hồ sơ khai thuế của hộ, cá nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật về quản lý thuế;
+ Bảng kê cửa hàng, cửa hiệu phụ thuộc mẫu số 03-ĐK-TCT-BK01 (nếu có);
+ Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh (nếu có);
+ Bản sao Thẻ căn cước công dân hoặc bản sao Giấy chứng minh nhân dân, bản sao Hộ chiếu còn hiệu lực.
- Hồ sơ đăng ký thuế đối với cá nhân kinh doanh của nước có chung đường biên giới đất liền với Việt Nam thực hiện hoạt động mua, bán, trao đổi hàng hóa (bao gồm kinh doanh TMĐT) tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu, gồm:
+ Tờ khai đăng ký thuế mẫu số 03-ĐK-TCT;
+ Bảng kê cửa hàng, cửa hiệu phụ thuộc mẫu số 03-ĐK-TCT-BK01 (nếu có);
+ Bản sao các giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư số 218/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Chi cục Thuế cấp mã số thuế 10 chữ số để cá nhân kinh doanh thực hiện khai nộp thuế theo phương pháp khoán hoặc từng lần phát sinh hướng dẫn tại điểm 3.2, điểm 3.3 Công văn này.
3.2. Cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán
Về phương pháp tính thuế (Điều 2 Thông tư số 92/2015/TT-BTC)
- Cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán là cá nhân kinh doanh có phát sinh doanh thu từ kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh (trừ cá nhân kinh doanh nộp thuế từng lần phát sinh, cho thuê tài sản, đại lý xổ số, bảo hiểm, đa cấp).
Lưu ý: cá nhân kinh doanh là đối tượng không cư trú nhưng có địa điểm kinh doanh cố định trên lãnh thổ Việt Nam thực hiện khai thuế như đối với cá nhân kinh doanh là đối tượng cư trú.
- Căn cứ tính thuế đối với cá nhân nộp thuế khoán là doanh thu tính thuế và tỷ lệ thuế tính trên doanh thu.
;+ Doanh thu tính thuế GTGT và doanh thu tính thuế TNCN là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
+ Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán có sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế thì doanh thu tính thuế được căn cứ theo doanh thu khoán và doanh thu trên hóa đơn.
+ Trường hợp cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu tính thuế khoán hoặc xác định không phù hợp thực tế thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu tính thuế khoán theo quy định.
- Tỷ lệ thuế tính trên doanh thu gồm tỷ lệ thuế GTGT và tỷ lệ thuế TNCN áp dụng đối với từng lĩnh vực ngành nghề như sau:
+ Phân phối, cung cấp hàng hóa như hoạt động bán buôn, bán lẻ các loại hàng hóa (trừ giá trị hàng hóa đại lý bán đúng giá hưởng hoa hồng): tỷ lệ thuế GTGT là 1%; tỷ lệ thuế TNCN là 0,5%.
+ Dịch vụ: tỷ lệ thuế GTGT là 5%; tỷ lệ thuế TNCN là 2%.
+ Vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa: tỷ lệ thuế GTGT là 3%; tỷ lệ thuế TNCN là 1,5%.
;+ Hoạt động kinh doanh khác: tỷ lệ thuế GTGT là 2%; tỷ lệ thuế TNCN là 1%.
- Xác định số thuế phải nộp:
Số thuế GTGT phải nộp = doanh thu tính thuế GTGT x tỷ lệ thuế GTGT
Số thuế TNCN phải nộp = doanh thu tính thuế TNCN x tỷ lệ thuế TNCN
Về khai thuế (Điều 6 Thông tư số 92/2015/TT-BTC)
- Cá nhân nộp thuế khoán khai thuế khoán một năm một lần tại Chi cục Thuế nơi cá nhân có địa điểm kinh doanh và không phải quyết toán thuế.
- Cá nhân nộp thuế khoán sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế thì ngoài việc khai doanh thu khoán, cá nhân tự khai và nộp thuế đối với doanh thu trên hóa đơn theo quý.
- Cá nhân kinh doanh theo hình thức hợp tác kinh doanh với tổ chức, tài sản tham gia hợp tác kinh doanh thuộc sở hữu của cá nhân, không xác định được doanh thu kinh doanh thì cá nhân ủy quyền cho tổ chức khai thuế và nộp thuế thay theo phương pháp khoán. Tổ chức có trách nhiệm khai thuế và nộp thuế thay cho cá nhân nộp thuế theo phương pháp khoán tại cơ quan thuế quản lý tổ chức.
- Hồ sơ khai thuế, thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, xác định doanh thu và mức thuế khoán, niêm yết công khai, gửi Thông báo thuế phải nộp, thời hạn nộp thuế, các trường hợp giảm thuế khoán,… được quy định cụ thể tại Điều 6 Thông tư số 92/2015/TT-BTC.
Ngoài ra, cá nhân kinh doanh phải nộp lệ phí môn bài theo quy định của Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04/10/2016 của Chính phủ về lệ phí môn bài, trừ một số trường hợp:
- Miễn lệ phí môn bài đối với cá nhân kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống; hoạt động sản xuất, kinh doanh không thường xuyên; không có địa điểm cố định.
- Miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động (từ ngày 01/01 đến ngày 31/12) đối với cá nhân kinh doanh lần đầu ra hoạt động sản xuất, kinh doanh.
3.3. Cá nhân kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh
Về phương pháp tính thuế (Điều 3 Thông tư số 92/2015/TT-BTC)
- Cá nhân kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh gồm: cá nhân cư trú có phát sinh doanh thu kinh doanh ngoài lãnh thổ Việt Nam; cá nhân kinh doanh không thường xuyên và không có địa điểm kinh doanh cố định; cá nhân hợp tác kinh doanh với tổ chức theo hình thức xác định được doanh thu kinh doanh của cá nhân.
- Căn cứ tính thuế đối với cá nhân nộp thuế theo từng lần phát sinh là doanh thu tính thuế và tỷ lệ thuế tính trên doanh thu.
+ Doanh thu tính thuế GTGT và doanh thu tính thuế TNCN là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền cung ứng dịch vụ được xác định theo hợp đồng bán hàng, dịch vụ; các khoản bồi thường, phạt vi phạm hợp đồng (đối với doanh thu tính thuế TNCN) mà cá nhân kinh doanh được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
+ Tỷ lệ thuế GTGT, tỷ lệ thuế TNCN đối với cá nhân nộp thuế từng lần phát sinh áp dụng như đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán hướng dẫn tại điểm b khoản 2 Điều 2 Thông tư số 92/2015/TT-BTC.
- Xác định số thuế phải nộp:
Số thuế GTGT phải nộp = doanh thu tính thuế GTGT x tỷ lệ thuế GTGT
Số thuế TNCN phải nộp = doanh thu tính thuế TNCN x tỷ lệ thuế TNCN
Về khai thuế (Điều 7 Thông tư số 92/2015/TT-BTC)
- Cá nhân nộp thuế từng lần phát sinh khai thuế GTGT, thuế TNCN theo từng lần phát sinh nếu có tổng doanh thu kinh doanh trong năm dương lịch trên 100 triệu đồng.
- Cá nhân kinh doanh theo hình thức hợp tác kinh doanh với tổ chức, tài sản tham gia hợp tác kinh doanh thuộc sở hữu của cá nhân, xác định được doanh thu kinh doanh của cá nhân thì cá nhân ủy quyền cho tổ chức khai thuế và nộp thuế thay. Tổ chức có trách nhiệm khai thuế và nộp thuế thay cho cá nhân tại cơ quan thuế quản lý tổ chức.
- Hồ sơ khai thuế, nơi nộp hồ sơ khai thuế, thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, thời hạn nộp thuế được quy định cụ thể tại Điều 7 Thông tư số 92/2015/TT-BTC.
4. Đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động kinh doanh TMĐT tại Việt Nam hoặc có thu nhập từ kinh doanh TMĐT tại Việt Nam
Tổ chức nước ngoài kinh doanh có cơ sở thường trú tại Việt Nam hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; cá nhân nước ngoài kinh doanh là đối tượng cư trú tại Việt Nam hoặc không là đối tượng cư trú tại Việt Nam kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam (bao gồm kinh doanh TMĐT) thuộc đối tượng áp dụng theo hướng dẫn tại Thông tư số 103/2014/TT-BTC.
Lưu ý: đối với cá nhân nước ngoài kinh doanh thực hiện nghĩa vụ thuế GTGT theo hướng dẫn tại Thông tư này, thuế TNCN theo pháp luật về thuế TNCN và không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).
Phương pháp tính thuế, nộp thuế cụ thể như sau:
*Nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, nộp thuế TNDN trên cơ sở kê khai doanh thu, chi phí để xác định thu nhập chịu thuế (gọi tắt là phương pháp kê khai)
Tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh đáp ứng đủ điều kiện tại Điều 8 Thông tư số 103/2014/TT-BTC:
- Có cơ sở thường trú tại Việt Nam, hoặc là đối tượng cư trú tại Việt Nam;
- Thời hạn kinh doanh tại Việt Nam theo hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ từ 183 ngày trở lên kể từ ngày hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ có hiệu lực;
- Áp dụng chế độ kế toán Việt Nam và thực hiện đăng ký thuế, được cơ quan thuế cấp mã số thuế.
Thực hiện nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ; nộp thuế TNDN trên cơ sở kê khai doanh thu, chi phí để xác định thu nhập chịu thuế theo quy định Luật Thuế GTGT, Luật Thuế TNDN và các văn bản hướng dẫn thi hành.
*Nộp thuế GTGT, nộp thuế TNDN theo phương pháp tỷ lệ tính trên doanh thu
Tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh không đủ điều kiện nộp thuế theo phương pháp kê khai nêu trên thì Bên Việt Nam nộp thay thuế cho tổ chức, cá nhân nước ngoài (Điều 11, 12, 13 Thông tư số 103/2014/TT-BTC).
- Về thuế GTGT:
+ Căn cứ tính thuế là doanh thu tính thuế GTGT và tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu.
Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu
+ Doanh thu tính thuế GTGT là toàn bộ doanh thu do cung cấp dịch vụ, dịch vụ gắn với hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế GTGT mà tổ chức, cá nhân nước ngoài nhận được, chưa trừ các khoản thuế phải nộp, kể cả các khoản chi phí do Bên Việt Nam trả thay (nếu có).
+ Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu đối với ngành kinh doanh thực hiện theo khoản 2 Điều 12 Thông tư số 103/2014/TT-BTC.
- Về thuế TNDN:
+ Căn cứ tính thuế là doanh thu tính thuế TNDN và tỷ lệ (%) thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế.
Số thuế TNDN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNDN x Tỷ lệ thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế
+ Doanh thu tính thuế TNDN là toàn bộ doanh thu không bao gồm thuế GTGT mà tổ chức nước ngoài nhận được, chưa trừ các khoản thuế phải nộp. Doanh thu tính thuế TNDN được tính bao gồm cả các khoản chi phí do Bên Việt Nam trả thay (nếu có).
+ Tỷ lệ (%) thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế đối với ngành kinh doanh thực hiện theo khoản 2 Điều 13 Thông tư số 103/2014/TT-BTC.
*Nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, nộp thuế TNDN theo tỷ lệ % tính trên doanh thu
>Tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh nếu đáp ứng đủ hai điều kiện nêu tại khoản 1 và khoản 2 Điều 8 Thông tư số 103/2014/TT-BTC và tổ chức hạch toán kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán và hướng dẫn của Bộ Tài chính thì đăng ký với cơ quan thuế để thực hiện nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, nộp thuế TNDN theo tỷ lệ % tính trên doanh thu tính thuế theo hướng dẫn tại Điều 9, Điều 13 Thông tư số 103/2014/TT-BTC.
5. DN thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam có hoạt động kinh doanh TMĐT tại Việt Nam
Về thuế GTGT: DN chọn khai, nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ hoặc phương pháp tính trực tiếp trên GTGT bằng tỷ lệ % nhân với doanh thu theo quy định tại Nghị định số 209/2013/NĐ-CP của Chính phủ; được hướng dẫn tại Thông tư số 219/2013/TT-BTC, và được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 119/2014/TT-BTC, Thông tư số 93/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính.
- Về thuế TNDN: DN nộp thuế TNDN trên cơ sở kê khai doanh thu, chi phí để xác định thu nhập chịu thuế theo quy định tại Nghị định số 218/2013/NĐ-CP của Chính phủ; được hướng dẫn tại Thông tư số 78/2014/TT-BTC, và được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 119/2014/TT-BTC, Thông tư số 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính.
6. Một số quy định về quản lý thuế và đăng ký thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT
- Ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có nhiệm vụ khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam (khoản 3 Điều 30 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP).
- Đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam (khoản 4 Điều 42 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14); và được hướng dẫn tại Thông tư số 105/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định:
+ Đối tượng đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế là nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam (điểm e khoản 2 Điều 4).
+ Đối tượng đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế để cấp mã số thuế nộp thay, bao gồm các ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hoặc tổ chức, cá nhân được nhà cung cấp ở nước ngoài ủy quyền có trách nhiệm kê khai, khấu trừ và nộp thuế thay cho nhà cung cấp ở nước ngoài (điểm g khoản 2 Điều 4).
Các văn bản pháp luật về thuế liên quan hoạt động TMĐT tại Mục 1 Công văn này, được đăng tải trên trang thông tin điện tử Cục Thuế (http://angiang.gdt.gov.vn) và gửi qua địa chỉ thư điện tử (email) của người nộp thuế.
Cục Thuế hướng dẫn để DN, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh An Giang có hoạt động kinh doanh TMĐT hoặc có phát sinh thu nhập từ hoạt động kinh doanh TMĐT được biết và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về thuế. Trường hợp có vướng mắc, người nộp thuế liên hệ Cục Thuế (Phòng Tuyên truyền – Hỗ trợ người nộp thuế) qua số điện thoại: 02963.841623 hoặc email: hotrothueangiang@gmail.com để được hướng dẫn, giải đáp cụ thể./.
Tải về: Công văn 390/CT-TTHT
Cục Thuế tỉnh An Giang