Thử nghiệm mô hình nuôi chồn hương quy mô nông hộ tại huyện Tịnh Biên
![]() |
Mô hình nuôi chồn hương |
Mục tiêu nhằm tăng thu nhập cho nông hộ, góp phần chuyển dịch giống vật nuôi tại địa phương và thúc đẩy kinh tế-xã hội của huyện phát triển. Mục tiêu cụ thể, xác định được khẩu phần ăn thích hợp với chồn hương giai đoạn sinh trưởng dựa trên nguồn thức ăn có sẵn tại địa phương. Xác định được tăng trọng, hiệu quả sử dụng thức ăn, tỷ lệ hao hụt và biểu đồ sinh trưởng của chồn hương bằng thức ăn địa phương ở nông hộ; đánh giá hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi.
Nội dung nghiên cứu: khảo sát, đánh giá hiện trạng mô hình nuôi chồn hương trên địa bàn huyện Tịnh Biên, khảo sát hiện trạng nuôi, đánh giá khẩu phần ăn bản địa đến sức sinh trưởng của chồn hương. Xây dựng mô hình nuôi chồn hương quy mô nông hộ sử dụng một số loại thức ăn có sẵn tại địa phương.
Chồn hương có người còn gọi là chồn mướp, cầy vòi hương. Là loại động vật hoang dã, cơ thể tiết ra mùi thơm như trái mướp hương, chúng được sử dụng như loại dược liệu quý hiếm. Chồn hương còn là món ăn ăn đặc sản thơm ngon, thịt ngọt và mềm nên rất được ưa chuộng trong các nhà hàng, quán ăn. Đây được xem là mô hình vật nuôi mới đem lại hiệu quả kinh tế cao: một vốn hơn 4 lời. Mô hình không cần diện tích đất sản xuất lớn rộng, kỹ thuật nuôi và chăm sóc rất đơn giản, không cần tốn nhiều công sức, có thể tận dụng sức lao động người già và trẻ nhỏ, nguồn thức ăn dễ tìm và giá rẻ. Mô hình còn góp phần đa dạng hóa vật nuôi, vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình, vừa góp phần bảo tồn động vật hoang dã cho vùng núi Thất Sơn Tịnh Biên.
Loại chồn này thịt rất thơm ngon, mềm và bổ dưỡng, nuôi 5-6 tháng có thể xuất chuồng. Con chồn hương trưởng thành nặng từ 3-5 kg. Đặc biệt, chồn hương đực có tuyến xạ hương có vị cay và tính ấm, nhất là trong thời kỳ động đực nên được y học dân gian coi là một trong những dược liệu quý.
Mô hình nuôi chồn hương hiện rất ít hộ nuôi, trong khi đây là sản phẩm thịt ngon, có thể là sản phẩm cho các nhà hàng, quán ăn trong và ngoài địa phương, góp phần phục vụ khách du lịch, nên đảm bảo thị trường tiêu thụ và hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Chính vì thế rất cần thiết thực hiện nghiên cứu này.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Biên Giới cho biết: "Qua hơn 7 tháng nuôi cho thấy chồn hương rất dễ nuôi, có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi chăm sóc chồn và theo dõi tình trạng sức khỏe chồn, nên đây là mô hình kinh tế phụ hiệu quả kinh tế cao. Chồn hương thích các món ngọt, mềm và động vật có mùi tanh như cá và các loại trái cây. Quá trình nuôi chồn phát triển rất tốt. Nếu như lúc mới mua chồn 2-3 tháng tuổi, trọng lượng 550gram-1kg/con, sau 7 tháng nuôi trọng lượng tăng con nhỏ nhất 2,1 kg, con lớn nhất 3,2 kg. Hiệu quả kinh tế hiện tại giá bán chồn hương rất cao mà lại dễ nuôi. Nhờ có giá trị về thực phẩm và dược phẩm nên hiện giá chồn hương thịt dao động từ 1,2-1,5 triệu đồng/kg chồn hơi; riêng giá chồn giống 2-3 tháng tuổi 500-800gram, từ 6-7 triệu đồng/cặp (đực và cái)".
Thạc sĩ Nguyễn Thị Biên Giới cho biết: "Mô hình xây dựng 3 nghiệm thức, tương ứng 3 dạng thức ăn có sẵn tại địa phương (có nguồn gốc từ thực vật và động vật); trong đó 1 nghiệm thức dùng để đối chứng, 2 nghiệm thức còn lại để so sánh. Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên với 3 nghiệm thức và 6 lần lặp lại (3 cá thể cái, 3 cá thể đực), mỗi lần lặp lại (ô chuồng) là 1 cá thể, mỗi nghiệm thức tương ứng với 6 con (tỷ lệ cái:đực là 1:1), tổng số lượng chồn thí nghiệm là 18 con".
Thú thí nghiệm được nuôi dưỡng và quản lý như nhau ở tất cả các đơn vị thí nghiệm. Tần suất cho ăn 1 lần/ngày vào buổi tối cho cả 3 nghiệm thức và được điều chỉnh lượng, loại thức ăn phù hợp từng thời kỳ và sở thích của chồn. Các loại thức ăn có nguồn gốc từ động vật như: chuột, rắn, ếch, nhái, thằn lằn, sâu bọ, cua ốc, cá sống, thịt gà, thịt heo, trứng luộc... Các loại thức ăn từ thực vật như: cơm, cháo, cám gạo, bắp nấu; các loại trái cây: chuối, mít, đu dủ, dưa hấu, thanh long, dừa tươi...; các loại củ: khoai lang, khoai mì, sắn...
![]() |
Chồn hương |
Về môi trường chuồng trại, cách chăm sóc và cho ăn phải đảm bảo vệ sinh vì chồn hương chỉ phát triển tốt và ít bệnh tật trong môi trường sạch sẽ, thoáng mát. Nhờ đó giảm thiểu ô môi trường giúp nghề nuôi phát triển bền vững hơn.
Trại nuôi chồn hương xây dựng kiên cố, mái lợp tol, đảm bảo cao ráo và thoáng mát, xung quanh bao phủ bằng lưới cước làm mùng ngăn muỗi. Trong trại bố trí 2 dãy chuồng nhốt chồn, mỗi dãy 10 ô chuồng kích cỡ bằng nhau. Trong mỗi ô chuồng có 1 hộc để chồn ngủ, 1 dụng cụ đựng thức ăn, đặc biệt có thiết kế đường ống dẫn nước uống tự động cho chồn uống đảm bảo vệ sinh. Chuồng nuôi chồn hương được đóng thành từng ô chuồng, sử dụng chất liệu bằng sắt với chiều cao 1,5m, ngang 1m, dài 1,2m thoáng mát, cao ráo, đảm bảo mùa đông ấm, mùa hè mát./.
Hạnh Châu