Skip to main content

Chào mừng bạn đến với Hệ thống hỗ trợ công bố thông tin công khai

HỆ THỐNG HỖ TRỢ CÔNG BỐ THÔNG TIN CÔNG KHAI
CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG

Quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến thuế, hóa đơn; kinh doanh bảo hiểm, xổ số; quản lý, sử dụng tài sản công và kế toán, kiểm toán độc lập

02/12/2021

Để kịp thời cập nhật thông tin và thực hiện đúng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, Cục Thuế thông báo đến tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh An Giang một số nội dung, quy định mới như sau:

1. Lĩnh vực thuế, hóa đơn

Tại Điều 1 Nghị định số 102/2021/NĐ-CP quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn (Nghị định số 125/2020/NĐ-CP) như sau:

- Sửa đổi điểm a khoản 1 Điều 8: Tăng thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn là 02 năm so với quy định cũ thì thời hiệu là 01 năm. 

- Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 22: Phạt tiền từ 20 đến 50 triệu đồng đối với hành vi cho, bán hóa đơn; trừ hành vi quy định tại khoản 1 Điều này; so với quy định cũ thì phạt tiền từ 20 đến 50 triệu đồng đối với hành vi cho, bán hóa đơn mua của cơ quan thuế nhưng chưa lập.

- Bổ sung điểm h vào khoản 4 Điều 24: Bổ sung mức xử phạt bằng tiền từ 04 đến 08 triệu đồng đối với hành vi không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc trên hóa đơn theo quy định.

- Bổ sung điểm c vào khoản 3 Điều 26: Bổ sung mức xử phạt bằng tiền từ 04 đến 08 triệu đồng đối với hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập nhưng chưa khai thuế.

- Sửa đổi khoản 4 Điều 26: Sửa đổi cụm từ “đã khai, nộp thuế” thành “đã khai thuế” như sau: Phạt tiền từ 05 đến 10 triệu đồng đối với hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập, đã khai thuế trong quá trình sử dụng hoặc trong thời gian lưu trữ, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều này.

- Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 42: Sửa đổi, bổ sung cụm từ “quyết định miễn tiền phạt” bằng cụm từ “quyết định giảm, miễn tiền phạt”, tức là bổ sung khi có “quyết định giảm tiền phạt”, không tính tiền chậm nộp tiền phạt trong thời gian xem xét, quyết định giảm, miễn tiền phạt.

- Sửa đổi, bổ sung Điều 43: Sửa đổi, bổ sung “giảm tiền phạt” nhằm phù hợp với Điều 77 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13/11/2020) như sau:

+ Các trường hợp miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn; thẩm quyền, trình tự, thủ tục miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn thực hiện theo quy định tại Điều 77 Luật Xử lý vi phạm hành chính và khoản 38 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các khoản 2, 3, 4, 5 Điều này.

+ Mức miễn, giảm tiền phạt tối đa bằng số tiền phạt trong quyết định xử phạt và không quá giá trị tài sản, hàng hóa bị thiệt hại, sau khi trừ đi giá trị được bảo hiểm, bồi thường (nếu có).

+ Người nộp thuế bị thiệt hại trong trường hợp bất khả kháng quy định tại Luật Quản lý thuế thì hồ sơ chứng minh giá trị tài sản, hàng hóa bị thiệt hại và giá trị được bảo hiểm, bồi thường như sau:

● Biên bản kiểm kê, xác định giá trị thiệt hại vật chất do người nộp thuế hoặc người đại diện hợp pháp của người nộp thuế lập;

● Biên bản xác định giá trị thiệt hại vật chất của tổ chức có chức năng định giá theo quy định của pháp luật (bản chính hoặc bản sao có xác nhận công chứng hoặc chứng thực) hoặc Hồ sơ bồi thường thiệt hại vật chất được cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường theo quy định của pháp luật (bản chính hoặc bản sao có xác nhận công chứng hoặc chứng thực) (nếu có);

● Hồ sơ trách nhiệm bồi thường của tổ chức, cá nhân phải bồi thường theo quy định của pháp luật (bản chính hoặc bản sao có xác nhận công chứng hoặc chứng thực) (nếu có).

+ Không miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn đối với các trường hợp đã thực hiện xong quyết định xử phạt.

+ Trường hợp được miễn, giảm tiền phạt thì cũng được miễn, giảm tiền chậm nộp tiền phạt tương ứng.

+ Người nộp thuế đã được miễn, giảm tiền phạt nhưng cơ quan có thẩm quyền, cơ quan thuế phát hiện việc miễn, giảm tiền phạt không đúng quy định tại Điều này thì người có thẩm quyền miễn, giảm tiền phạt ban hành quyết định hủy hoặc điều chỉnh quyết định miễn, giảm tiền phạt. Cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế có trách nhiệm thu vào ngân sách nhà nước khoản tiền phạt đã được miễn, giảm không đúng và tính tiền chậm nộp trên số tiền phạt được miễn, giảm không đúng. Ngày bắt đầu tính tiền chậm nộp tiền phạt được miễn, giảm không đúng là ngày tổ chức, cá nhân bị xử phạt nộp đầy đủ hồ sơ đề nghị miễn, giảm tiền phạt.

2. Lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, xổ số

Tại Điều 3 Nghị định số 102/2021/NĐ-CP quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2013/NĐ-CP ngày 28/8/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 48/2018/NĐ-CP ngày 21/3/2018 của Chính phủ và Nghị định số 80/2019/NĐ-CP ngày 01/11/2019 của Chính phủ (Nghị định số 98/2013/NĐ-CP) như sau:

- Sửa đổi tên Điều 3 như sau: 

“Điều 3. Hình thức xử phạt và thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính”

Tức là bổ sung thêm quy định về thời hiệu xử phạt vi phạt hành chính so với quy định cũ.

- Bổ sung điểm c vào khoản 2 Điều 3: Bổ sung nguyên tắc áp dụng hình thức tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xổ số có thời hạn như sau:

+ Khi xác định thời hạn tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xổ số đối với tổ chức vi phạm vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ thì được giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc một tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng.

+ Thời hạn tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cụ thể đối với một hành vi vi phạm là mức trung bình của khung thời hạn được quy định đối với hành vi đó. Nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mỗi tình tiết giảm nhẹ được giảm 01 tháng nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung thời hạn tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xổ số; nếu có tình tiết tăng nặng thì mỗi tình tiết tăng nặng áp dụng tăng 01 tháng nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung thời hạn tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xổ số.

- Bổ sung khoản 3 vào Điều 3: Bổ sung thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm như sau:

+ Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

+ Đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ ngày người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm. Đối với hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ ngày chấm dứt hành vi vi phạm. Thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm để tính thời hiệu xử phạt trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm là ngày thực hiện đúng các quy định pháp luật. Trường hợp không xác định được ngày thực hiện đúng các quy định pháp luật thì thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm là ngày phát hiện hành vi vi phạm.

+ Thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm để tính thời hiệu xử phạt đối với một số hành vi vi phạm tại Chương II Nghị định này được quy định như sau:

● Đối với hành vi sửa chữa, gian dối hoặc giả mạo các tài liệu đối với hồ sơ đã được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động tại khoản 1 Điều 5, khoản 1 Điều 6 Nghị định này, thì thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm là ngày phát hiện hồ sơ đã được cấp phép bị tẩy xoá, sửa chữa làm thay đổi nội dung;

● Đối với hành vi vi phạm không ban hành quy trình, hướng dẫn nội bộ theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 9, điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định này, thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm là ngày thực hiện ban hành quy trình theo quy định của pháp luật;

● Đối với hành vi vi phạm quy định về chế độ báo cáo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 18, điểm e khoản 3 Điều 18, điểm b khoản 1 Điều 21 và điểm a khoản 1 Điều 32 Nghị định này, thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm là ngày thực hiện báo cáo.

- Bổ sung khoản 4 vào Điều 3: Bổ sung thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực kinh doanh xổ số như sau:

+ Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xổ số là 01 năm.

+ Đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xổ số đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ ngày người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm. Đối với hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ ngày chấm dứt hành vi vi phạm.

Thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm để tính thời hiệu xử phạt đối với một số hành vi vi phạm tại Chương 3 Nghị định này được quy định như sau:

● Đối với hành vi sửa chữa, tẩy xoá làm thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, các tài liệu trong hồ sơ đã được làm đại lý xổ số quy định tại khoản 1 Điều 35 và khoản 1 Điều 41 Nghị định này nếu không xác định được ngày sửa chữa, tẩy xoá làm thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, các tài liệu trong hồ sơ đã được làm đại lý xổ số thì thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm là ngày phát hiện Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh bị sửa chữa, tẩy xóa làm thay đổi nội dung;

● Đối với hành vi không xây dựng và ban hành quy chế quy định chi tiết quy trình tổ chức thu hồi vé xổ số không tiêu thụ hết, không xây dựng và công bố công khai thể lệ quay số mở thưởng, không ban hành Quy chế quản lý, khai thác dữ liệu máy chủ kinh doanh xổ số điện toán quy định tại khoản 1 Điều 40, khoản 1 Điều 44 và khoản 1 Điều 49 Nghị định này, thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm là ngày thực hiện ban hành quy chế quy định chi tiết quy trình tổ chức thu hồi vé xổ số không tiêu thụ hết, công bố công khai thể lệ quay số mở thưởng, ban hành Quy chế quản lý, khai thác dữ liệu máy chủ kinh doanh xổ số điện toán;

● Đối với hành vi vi phạm quy định về chế độ báo cáo quy định tại Điều 51 Nghị định này, thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm là ngày thực hiện báo cáo.

- Bổ sung khoản 5 vào Điều 3: Bổ sung cách xác định mức phạt tiền đối với một hành vi vi phạm hành chính cụ thể trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ như sau:

+ Khi xác định mức phạt tiền đối với tổ chức, cá nhân vi phạm vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ thì được giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc một tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng.

+ Mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm là mức trung bình của khung phạt tiền được quy định đối với hành vi đó. Nếu có tình tiết giảm nhẹ, thì mỗi tình tiết được giảm 10% mức tiền phạt trung bình của khung tiền phạt nhưng mức phạt tiền đối với hành vi đó không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mỗi tình tiết tăng nặng được tính tăng 10% mức tiền phạt trung bình của khung tiền phạt nhưng mức phạt tiền đối với hành vi đó không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt.

- Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 19: Phạt tiền từ 40 đến 60 triệu đồng đối với hành vi không tuân thủ quy tắc, điều khoản và biểu phí theo quy định pháp luật; so với quy định cũ thì phạt từ 40 đến 60 triệu đồng đối với hành vi không tuân thủ quy tắc, điều khoản và biểu phí do Bộ Tài chính ban hành.

- Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 Điều 33: Trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành thuộc Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm Bộ Tài chính có quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 100 triệu đồng đối với cá nhân, 200 triệu đồng đối với tổ chức; so với quy định cũ thì Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành thuộc Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm Bộ Tài chính có quyền tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 50 triệu đồng.

- Bổ sung Điều 33a vào sau Điều 33: Bổ sung thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm như sau:

+ Các chức danh nêu tại Điều 33 Nghị định này khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định.

+ Người có thẩm quyền đang thi hành công vụ trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm theo văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản hành chính do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành phải kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển biên bản vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt để tiến hành xử phạt.

- Bổ sung Điều 51a vào sau Điều 51: Bổ sung thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xổ số như sau: người có thẩm quyền xử phạt quy định tại Điều 52 Nghị định này hoặc người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xổ số có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính.

- Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 2 Điều 52: Trong lĩnh vực kinh doanh xổ số, Chánh Thanh tra Sở Tài chính có quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 100 triệu đồng đối với cá nhân, 200 triệu đồng đối với tổ chức; so với quy định cũ thì Chánh Thanh tra Sở Tài chính có quyền tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 50 triệu đồng.

3. Lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công

Tại Điều 4 Nghị định số 102/2021/NĐ-CP quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 63/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công (Nghị định số 63/2019/NĐ-CP) như sau:

- Sửa đổi, bổ sung Điều 3: Bổ sung thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công quy định như sau:

+ Đối với hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm;

+ Đối với hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm;

+ Hành vi vi phạm hành chính đối với các quy định về đầu tư, mua sắm tài sản công tại Điều 6 Nghị định này được xác định là hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc trong trường hợp đã thực hiện xong việc đầu tư, mua sắm tài sản và giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng; được xác định là hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện trong các trường hợp còn lại;

+ Hành vi vi phạm hành chính đối với các quy định về đi thuê tài sản tại Điều 7 Nghị định này được xác định là hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc trong trường hợp đã thuê tài sản và đưa vào sử dụng; được xác định là hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện trong các trường hợp còn lại;

+ Hành vi vi phạm hành chính đối với các quy định về lấn chiếm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp tại Điều 11 Nghị định này được xác định như sau: 

● Hành vi tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất liền kề tự chuyển dịch mốc giới thửa đất để mở rộng diện tích đất hoặc xây dựng công trình lấn chiếm sang không gian phần diện tích đất thuộc khuôn viên trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan, tổ chức, đơn vị được xác định là hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc trong trường hợp đã thực hiện mở rộng diện tích đất hoặc xây dựng xong công trình lấn chiếm; được xác định là hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện trong các trường hợp còn lại; 

● Hành vi tổ chức, cá nhân tự ý sử dụng nhà, đất thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan, tổ chức, đơn vị xác định là hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện.

+ Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công đang được thực hiện là các hành vi quy định tại các Điều 8, 9, 10, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 20, 21, 22, 23, 24, 25 và 26 Nghị định này.

- Sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 4: Tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này không được sử dụng tiền ngân sách nhà nước hoặc tiền có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để nộp phạt và khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm của mình gây ra, trừ trường hợp quy định tại khoản 8 Điều 37 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng; so với quy định cũ thì tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này không được sử dụng tiền ngân sách nhà nước hoặc tiền có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để nộp phạt và khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm của mình gây ra, trường hợp xử phạt tổ chức thì sau khi chấp hành quyết định xử phạt, tổ chức bị xử phạt xác định cá nhân có lỗi gây ra vi phạm hành chính để xác định trách nhiệm pháp lý, bao gồm cả việc nộp lại khoản tiền phạt và khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm của mình gây ra tương ứng với mức độ vi phạm của cá nhân đó theo quy định của pháp luật và Quy chế quản lý, sử dụng tài sản công của tổ chức.

- Sửa đổi, bổ sung Điều 5: Bổ sung quy định về áp dụng mức phạt tiền như sau:

+ Khi phạt tiền, mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung phạt tiền được quy định đối với hành vi đó. Nếu có tình tiết giảm nhẹ, thì mỗi tình tiết được giảm 10% mức tiền phạt trung bình của khung tiền phạt nhưng mức phạt tiền đối với hành vi đó không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mỗi tình tiết tăng nặng được tính tăng 10% mức tiền phạt trung bình của khung tiền phạt nhưng mức phạt tiền đối với hành vi đó không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt.

+ Khi xác định mức phạt tiền đối với một hành vi vi phạm hành chính vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ thì được giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc một tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng.

- Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 30: Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra có quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 01 triệu đồng; so với quy định cũ thì thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra có quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 500 nghìn đồng.

- Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 2 Điều 30: Chánh Thanh tra sở, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp sở có quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 100 triệu đồng; so với quy định cũ thì Chánh Thanh tra sở, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp sở có quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 50 triệu đồng.

- Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 3 Điều 30: Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp bộ có quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 140 triệu đồng; so với quy định cũ thì Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp bộ có quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 70 triệu đồng.

4. Lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập

Tại Điều 5 Nghị định số 102/2021/NĐ-CP quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 41/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập (Nghị định số 41/2018/NĐ-CP) như sau:

- Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 3:

+ Sửa đổi tiêu đề khoản 3: Thay thế cụm từ “tại khoản 1, khoản 2 Điều này” bằng “trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập” như sau: “Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập được quy định như sau:”.

+ Bổ sung khoản c vào Điều 3: Đối với hành vi vi phạm về kế toán và kiểm toán độc lập quy định tại Nghị định này, thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm hành chính để tính thời hiệu xử phạt là:

● Thời điểm tổ chức, cá nhân thực hiện xong quy trình nghiệp vụ, yêu cầu công việc theo quy định của pháp luật về kế toán và kiểm toán độc lập;

● Thời điểm tổ chức, cá nhân chấm dứt hành vi vi phạm để thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về kế toán, kiểm toán.

+ Bổ sung khoản d vào Điều 3: Để xem xét hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc hay đang thực hiện, ngoài việc căn cứ điểm c trên đây, cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính căn cứ vào quy định của pháp luật về kế toán, kiểm toán độc lập, hồ sơ, tài liệu và tình tiết của từng vụ việc cụ thể để xác định hành vi vi phạm đã kết thúc hay hành vi vi phạm đang thực hiện.

- Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 6: Bổ sung “Chương III” vào quy định mức phạt tiền như sau:  Mức phạt tiền quy định tại Chương II, Chương III Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 7; Điều 8; Điều 9; Điều 10; Điều 11; Điều 13; Điều 14; Điều 15; Điều 16; Điều 17; Điều 19; khoản 1, khoản 3 Điều 21; Điều 22; Điều 23; Điều 24; Điều 26; Điều 33; Điều 34; khoản 1, khoản 3 Điều 36; khoản 1 Điều 38; khoản 2, khoản 3 Điều 39; khoản 1, khoản 2 Điều 48; khoản 1 Điều 57; khoản 1, khoản 2 Điều 61; Điều 67 là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

- Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 6: Thay thế “Chương III ” bằng “Chương IV” như sau: Thẩm quyền xử phạt của các chức danh quy định tại Chương IV Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân đối với chức danh đó.

- Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 2 Điều 70: Khi xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập, Chánh thanh tra Sở Tài chính có quyền tịch thu tang vật vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 50 triệu đồng đối với cá nhân, 100 triệu đồng đối với tổ chức; so với quy định cũ thì Chánh thanh tra Sở Tài chính có quyền tịch thu tang vật vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 25 triệu đồng.

- Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 71: Khi xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) có quyền tịch thu tang vật vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 10 triệu đồng đối với cá nhân, 20 triệu đồng đối với tổ chức; so với quy định cũ thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có quyền tịch thu tang vật vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 05 triệu đồng.

5. Hiệu lực và quy định chuyển tiếp

5.1. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

5.2. Bổ sung, bỏ một số từ, cụm từ, bãi bỏ khoản tại một số điều 

- Tại Nghị định số 125/2020/NĐ-CP:

+ Bổ sung cụm từ “hành chính” tại các cụm từ “vi phạm nhiều lần” thành “vi phạm hành chính nhiều lần” tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 3 Điều 5.

+ Bãi bỏ khoản 3 Điều 8.

- Tại Nghị định số 98/2013/NĐ-CP:

+ Bổ sung cụm từ “, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính” vào sau cụm từ “thẩm quyền xử phạt” tại khoản 1 Điều 1.

+ Bổ sung cụm từ “lập biên bản và” vào sau từ “thẩm quyền” tại tên của Mục 7 và Mục 8 Chương II.

+ Bỏ cụm từ “được sử dụng để” và “sử dụng để” tại điểm b khoản 2 Điều 3; điểm b khoản 1, điểm d khoản 3 Điều 33; điểm a khoản 6 Điều 36; điểm b khoản 1, điểm c khoản 2, điểm d khoản 3 Điều 52.

- Tại Nghị định số 63/2019/NĐ-CP:

+ Bỏ cụm từ “có giá trị không vượt quá mức phạt tiền quy định tại điểm b khoản này” tại cuối điểm c khoản 1 Điều 29.

+ Sửa cụm từ “Quỹ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước” thành “Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách” tại Điều 32.

- Tại Nghị định số 41/2018/NĐ-CP:

+ Bỏ cụm từ “có giá trị không vượt quá mức tiền phạt quy định tại điểm b khoản này” tại cuối điểm c khoản 2 Điều 71.

+ Bỏ cụm từ “đối với cá nhân” tại điểm b khoản 3 Điều 71.

5.3. Quy định chuyển tiếp

- Đối với trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành mà sau thời điểm có hiệu lực của Nghị định này, cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính còn khiếu nại thì được giải quyết theo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực tại thời điểm thực hiện hành vi vi phạm hành chính.

- Đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết để xử phạt vi phạm hành chính thì áp dụng các quy định về xử phạt quy định tại Nghị định này nếu Nghị định này không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn cho cá nhân, tổ chức vi phạm.

- Đối với hồ sơ đề nghị miễn tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn đã được cơ quan thuế tiếp nhận trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì áp dụng Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn để giải quyết theo quy định.

Đề nghị doanh nghiệp và người nộp thuế nghiên cứu chi tiết nội dung quy định của Nghị định này và các Nghị định liên quan được đăng tải trên website của Cục Thuế tỉnh An Giang (http://angiang.gdt.gov.vn) và gửi qua địa chỉ email của doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế.

Cục Thuế thông báo đến người nộp thuế trên địa bàn tỉnh An Giang được biết và thực hiện đúng pháp luật về thuế. Trường hợp có vướng mắc, người nộp thuế liên hệ Cục Thuế (Phòng Tuyên truyền – Hỗ trợ người nộp thuế) qua số điện thoại: 02963.841.623 hoặc email: hotrothueangiang@gmail.com để được hướng dẫn và giải đáp cụ thể./.

 
Cục Thuế tỉnh An Giang