Hướng dẫn về việc xác định các khoản chi phí sử dụng trực tiếp cho hoạt động phòng, chống dịch Covid-19
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ DN ổn định sản xuất, kinh doanh do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đã ban hành một số Công văn hướng dẫn về việc xác định các khoản chi phí sử dụng trực tiếp cho hoạt động phòng, chống dịch Covid-19; Cục Thuế tỉnh An Giang cập nhật các chính sách nêu trên để DN, người nộp thuế thực hiện như sau:
1. Một số Công văn hướng dẫn về việc xác định các khoản chi phí sử dụng trực tiếp cho hoạt động phòng, chống dịch Covid-19
- Công văn số 5032/TCT-CS ngày 26/11/2020 của Tổng cục Thuế giải đáp vướng mắc của các Cục Thuế về việc xác định chi phí được trừ và thuế thu nhập cá nhân đối với khoản chi phí cách ly phòng chống dịch Covid-19 của chuyên gia nước ngoài.
- Công văn số 12452/BTC-TCT ngày 09/10/2020 của Bộ Tài chính giải đáp vướng mắc chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với chi phí khấu hao tài sản cố định (TSCĐ).
- Công văn số 10385/BTC-QLKT ngày 10/09/2021 của Bộ Tài chính giải đáp vướng mắc về việc hạch toán các khoản chi phí liên quan đến bộ phận trực tiếp sản xuất phát sinh do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
2. Chi phí cách ly theo Công văn số 5032/TCT-CS của Tổng cục Thuế
- Chi phí cách ly đối với người lao động: Trường hợp DN ký hợp đồng lao động với người lao động trong đó có ghi khoản chi về tiền nhà do DN trả cho người lao động thì khoản chi phí trả cho cơ sở cách ly được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ và thanh toán theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/06/2014 của Bộ Tài chính.
- Theo yêu cầu phòng, chống dịch, người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam phải cách ly y tế tập trung tại khách sạn, resort (không cách ly tại doanh trại quân đội, trường của quân đội…). Đối với khoản chi mua vé máy bay, chi phí cách ly tại khách sạn cho chuyên gia nước ngoài, nếu khoản chi phí được thực hiện theo quy định tại điểm 2.9 khoản 2 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC sửa đổi bổ sung tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN khi có đầy đủ hóa đơn, chứng từ và thanh toán theo quy định.
3. Chi phí xét nghiệm Covid-19 theo Công văn số 5032/TCT-CS của Tổng cục Thuế
- Khoản chi phí xét nghiệm Covid-19 cho người lao động được coi là khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động, nếu khoản chi phí này được thực hiện theo quy định tại điểm 2.30 khoản 2 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/06/2014 của Bộ Tài chính (được sửa đổi bổ sung tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 của Bộ Tài chính) và tổng số chi có tính chất phúc lợi không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của DN thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN khi có đầy đủ hóa đơn, chứng từ và thanh toán theo quy định.
4. Chi phí khấu hao (TSCĐ) do ngừng sản xuất để phòng chống dịch theo Công văn số 12452/BTC-TCT của Bộ Tài Chính
- Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, DN gặp khó khăn phải tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh phát sinh chi phí khấu hao TSCĐ và đây là trường hợp đặc thù (quy định tại điểm k khoản 2 Điều 9 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ).
- Theo hướng dẫn tại điểm 2.2 khoản 2 Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính, thì trường hợp TSCĐ thuộc quyền sở hữu của DN đang dùng cho sản xuất kinh doanh nhưng phải tạm thời dừng do sản xuất theo mùa vụ với thời gian dưới 09 tháng, sau đó TSCĐ tiếp tục đưa vào phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, DN được trích khấu hao và khoản chi phí khấu hao TSCĐ trong thời gian tạm dừng được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
- DN phải lưu giữ và cung cấp đầy đủ hồ sơ, lý do của việc tạm dừng TSCĐ khi cơ quan thuế yêu cầu.
5. Hạch toán một số chi phí liên quan dịch Covid-19 theo Công văn số 10385/BTC-QLKT của Bộ Tài chính
- Các khoản chi phí cách ly, chi phí xét nghiệm Covid-19, chi phí đồ bảo hộ, chi mua khẩu trang, nước rửa tay, chi phí khấu hao TSCĐ và các chi phí phát sinh trong thời gian ngừng hoạt động, chi phí tiền lương,… đều là các khoản chi phí phát sinh liên quan đến bộ phận sản xuất trực tiếp.
- Tại điểm a khoản 1 Điều 94 Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính quy định nội dung phản ánh Tài khoản 811 - Chi phí khác: “a) Tài khoản này phản ánh những chi phí phát sinh do các sự kiện hay các nghiệp vụ riêng biệt với hoạt động thông thường của các doanh nghiệp”. Do đó, đối với chi phí chống dịch liên quan đến bộ phận trực tiếp sản xuất trong thời gian ngưng hoạt động phát sinh do dịch Covid-19 vào Tài khoản 811 và thực hiện thuyết minh trên Thuyết minh Báo cáo tài chính của DN.
Đề nghị doanh nghiệp phát sinh khoản chi phí sử dụng trực tiếp cho hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 nghiên cứu nội dung quy định cụ thể tại Công văn số 5032/TCT-CS của Tổng cục Thuế, Công văn số 12452/BTC-TCT và Công văn số 10385/BTC-QLKT của Bộ Tài chính đăng tải trên website của Cục Thuế tỉnh An Giang (http://angiang.gdt.gov.vn) và gửi qua địa chỉ email của doanh nghiệp.
Cục Thuế thông báo đến các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh An Giang được biết. Trường hợp có vướng mắc, người nộp thuế liên hệ Cục Thuế (Phòng Tuyên truyền – Hỗ trợ người nộp thuế) qua số điện thoại: 02963.841.623 hoặc email: hotrothueangiang@gmail.com để được hướng dẫn và giải đáp cụ thể./.
Tải về: Thông báo số 3542/TB-CT
Cục Thuế tỉnh An Giang