Một số lưu ý khi thực hiện quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân năm 2020
I. Quyết toán thuế thu nhập cá nhân:
1. Về thời hạn:
- Đối với tổ chức, doanh nghiệp, người nộp thuế trả thu nhập: Ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch (ngày 31/3/2021).
- Đối với cá nhân trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế: Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch. Đối với cá nhân có số thuế đề nghị hoàn thì có thể nộp bất kỳ thời điểm nào mà không bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với hành vi chậm nộp hồ sơ.
2. Lưu ý khi thực hiện kê khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân:
- Về mức giảm trừ gia cảnh: Trường hợp các tháng/ quý thuộc kỳ tính thuế năm 2020 người nộp thuế đã tạm nộp thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công theo mức giảm trừ gia cảnh cũ (9 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế và 3,6 triệu đồng/ tháng đối với mỗi người phụ thuộc) thì khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân, người nộp thuế xác định lại số thuế thu nhập cá nhân phải nộp của kỳ tính thuế năm 2020 theo mức giảm trừ gia cảnh mới, cụ thể:
+ Đối với cá nhân người nộp thuế: 11 triệu đồng/tháng.
+ Đối với người phụ thuộc: 4,4 triệu đồng/tháng/người.
- Về cách tính thuế thu nhập cá nhân: Theo quy định tại Luật thuế thu nhập cá nhân (đã được sửa đổi, bổ sung) thì:
Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập tính thuế X Thuế suất
Trong đó:
Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế - Các khoản giảm trừ
= [Tổng thu nhập – các khoản được miễn thuế] – [11.000.000 + (4.400.000 x Số người phụ thuộc) + các khoản bảo hiểm bắt buộc (nếu có) + bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp (nếu có) + đóng quỹ hưu trí tự nguyện (nếu có) + các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo]
Như vậy, khi đã nâng mức giảm trừ gia cảnh tăng từ 9 lên 11 triệu đồng/tháng đối với cá nhân người nộp thuế, tăng từ 3,6 triệu lên 4,4 triệu đồng/tháng đối với mỗi người phụ thuộc, trong trường hợp thu nhập của cá nhân dưới 11 triệu đồng thì chắc chắn sẽ không phải đóng thuế thu nhập cá nhân.
Với trường hợp có tổng thu nhập lớn hơn 11 triệu đồng, thì tùy từng trường hợp mà có phải đóng thuế thu nhập cá nhân hay không.
Ví dụ: Ông A có tổng thu nhập là 12 triệu đồng, không có khoản thu nhập được miễn thuế.
>> Thu nhập chịu thuế của ông A là 12 triệu đồng
Khoản đóng bảo hiểm bắt buộc hàng tháng: 500.850 đồng.
**Trường hợp ông A không có người phụ thuộc:
Thu nhập tính thuế thu nhập cá nhân của ông A: 12.000.000 – (11.000.000 + 500.850) = 499.150 đồng.
Trong trường hợp này ông A phải đóng thuế thu nhập cá nhân với thuế suất thuế thu nhập cá nhân là 5%.
**Trường hợp ông A có 01 người phụ thuộc:
Thu nhập tính thuế thu nhập cá nhân của ông A: 12.000.000 – (11.000.000 + 4.400.000 + 500.850) = - 3 900.850
Trường hợp này, thu nhập tính thuế nhỏ hơn 0 nên ông A không phải đóng thuế thu nhập cá nhân.
Lưu ý: Mức giảm trừ gia cảnh mới theo Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 ngày 02/6/2020 được áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020, những tháng đã tạm nộp theo mức giảm trừ gia cảnh 9 triệu đồng/tháng thì khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2020 vào đầu năm 2021 sẽ được tính lại và hoàn về cho người nộp thuế nếu đã nộp dư.
- Quy định miễn thuế thu nhập cá nhân, không phải nộp tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân: Miễn thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân có số tiền thuế phát sinh phải nộp hằng năm sau quyết toán thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công từ 50.000 đồng trở xuống; đồng thời, cá nhân không phải nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân.
II. Quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp:
1. Về thời hạn:
- Doanh nghiệp có năm tài chính trùng năm Dương lịch: Ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm Dương lịch (ngày 31/3/2021).
- Doanh nghiệp có năm tài chính khác năm dương lịch: Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
2. Về kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp:
- Xác định, kê khai đủ thông tin tại Tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp (mẫu 03/TNDN); Trong đó lưu ý đến một số chỉ tiêu sau: (1) Chỉ tiêu [04] - Ngành nghề có tỷ lệ doanh thu cao nhất; Chỉ tiêu [05] - Tỷ lệ (%) của ngành nghề kinh doanh có tỷ lệ doanh thu cao nhất trên tổng doanh thu của kỳ tính thuế.
- Xác định, kê khai thông tin giao dịch liên kết: Doanh nghiệp lưu ý xác định chính xác đối tượng phải kê khai, thực hiện kiểm soát và kê khai đầy đủ thông tin giao dịch liên kết, xác định đúng chi phí lãi vay được trừ (mức khống chế 30%) khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định 132/2020/NĐ-CP ngày 5/11/2020 của Chính phủ để hạn chế sai sót.
- Xác định, kê khai giảm thuế thu nhập doanh nghiệp của năm 2020 theo Nghị quyết 116/2020/QH14: Trường hợp tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng thì DN được giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020, một số lưu ý:
+ Tổng doanh thu năm 2020 làm căn cứ xác định đối tượng áp dụng được giảm thuế là tổng doanh thu trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 của doanh nghiệp bao gồm toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền cung ứng dịch vụ kể cả trợ giá, phụ thu, phụ trội mà DN được hưởng theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.
+ Khi lập hồ sơ khai thuế, DN kê khai số thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm trên các mẫu tờ khai ban hành kèm theo Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có) và trên Phụ lục thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm ban hành kèm theo Nghị định 114/2020/ND-CP.
+ Số thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm được tính trên số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của kỳ tính thuế năm 2020, sau khi đã trừ đi số thuế thu nhập doanh nghiệp mà doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi theo quy định.
+ Kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp được xác định theo năm dương lịch, trường hợp doanh nghiệp áp dụng năm tài chính khác với năm Dương lịch thì kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp xác định theo năm tài chính áp dụng quy định tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành./.
Nguyễn Hiền Long Giang
Cục Thuế tỉnh An Giang